Tiền Giang đất lành, trái ngọt

 Trải dài bên bờ Bắc sông Tiền 120km, từ Đồng Tháp Mười đến biển đông, mảnh đất phì nhiêu của Việt Nam được mang tên sông: TIỀN GIANG.

Tiền Giang là tỉnh thuộc miền Trung Nam Bộ, cách thành phố Hồ Chí Minh 70km về phía Tây – Nam. Tỉnh có thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và 8 huyện gồm: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phú Đông. Diện tích 2.367km2, có 32km bờ biển, dân số hơn 1.700.000 người. Nhiệt độ trung bình 270C, có hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhờ vậy động thực vật càng trở nên phong phú.

Từ thế kỷ XVII, người Việt từ vùng Ngũ Quảng với nhiều đợt di dân đã đến khai phá vùng đất hoang vu, biến nơi rừng rậm, đầm lầy, sấu bơi, cọp chạy thành những cánh đồng mênh mông, những vườn cây trĩu quả, làm nên nhưng làng xóm trù phú của vùng châu thổ.

Với các vùng sinh thái đa dạng: biển, kênh rạch, giồng gò, vùng trũng Đồng Tháp Mười… mà mỗi vùng có những loại động thực vật đặc trưng đã tạo ra sự đa dạng không những về cảnh quan mà cả về văn hóa cho tỉnh Tiền Giang.

Được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, quê hương của Bạch Công Tử, của nhiều hoàng hậu, Tiền Giang là nơi đất lành, trái ngọt. Nhà thơ Học Lạc (1842 – 1915) từng ca ngợi:

“Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho

Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.”

 


 
Thông tin đặc sản Tiền Giang:

A. TRÁI CÂY:

Tiền Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất nước, chiếm 8% so với tổng diện tích cây ăn trái của cả nước; hầu hết các loại cây trồng đều được bố trí phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn theo từng vùng sinh thái nên cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt. Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” là nơi có truyền thống lâu đời về trồng cây ăn trái, có điều kiện thuận lợi về tài nguyên và nước, cơ cấu chủng loại trái cây chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích các loại cây chủ lực đều tăng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản ngày càng cao.Với diện tích khoảng 70.000 ha vườn cây ăn trái, hàng năm cho sản lượng trên 1 triệu tấn, với các loại trái cây nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim; khóm Tân Phước; thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, bưởi Lông Cổ Cò, trong đó thanh long Chợ Gạo và khóm Tân Phước có vùng chuyên canh với diện tích và sản lượng lớn có khả năng cung ứng hàng hóa với số lượng lớn cho tiêu thụ tươi, chế biến và xuất khẩu; ngoài các loại trái cây đặc sản đã có thương hiệu Tiền Giang còn các loại trái cây khác như: cam sành, nhãn, chôm chôm, ca cao. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (G.A.P) đã và đang được áp dụng trong sản xuất thanh long, khóm, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…..

Một số thông tin cụ thể:

1.Thanh long Chợ Gạo: gồm các xã Quơn Long, Đăng Hưng Phước,Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa…huyện Chợ Gạo.

- Diện tích: khoảng gần 3.000 ha

- Năng suất: 25 – 30 tấn/ha/năm

- Sản lượng: gần 100.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

2. Khóm Tân Phước: gồm các xã Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phước Lập, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Hưng Thạnh… huyện Tân Phước.

- Diện tích: trên 15.000 ha

- Năng suất: 18 tấn/ha/năm

- Sản lượng: trên 270.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

3. Xoài cát Hòa Lộc: Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

- Diện tích khoảng 1.600 ha

- Năng suất trên 6,3 tấn/ha/năm

- Sản lượng 10.100 tấn

- Mùa vụ: từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch hàng năm

4. Sầu riêng Ngũ Hiệp: gồm các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long tiên, huyện Cai Lậy.

- Diện tích: trên 6.400 ha

- Năng suất: 15 – 18 tấn/ha/năm

- Sản lượng: trên 100.000 tấn

- Mùa vụ chính từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm

5. Sơ ri Gò Công: gồm các xã Bình Nghị, Long Thuận, Bình Ân, Tân Đông, Kiểng Phước

- Diện tích: 270 ha

- Năng suất: 40 tấn/ha

- Sản lượng trên 10.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

6. Bưởi Lông Cổ Cò: gồm các xã Mỹ Lương, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B…huyện Cái Bè.

- Diện tích: khoảng 1.000 ha

- Năng suất: 20 tấn/ha/năm

- Sản lượng: 20.000 tấn

- Mùa vụ có quanh năm

7. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim: gồm các xã Vĩnh Kim, Phú Phong, Bàn Long, Mỹ Long, Kim Sơn, huyện Châu Thành.

- Diện tích: 3.900 ha

- Năng suất: 15 – 16 tấn/ha/năm

- Sản lượng: 63.000 tấn

- Mùa vụ: từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm

B. CÁC ĐẶC SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG KHÁC:

-  Hàng thủ công mỹ nghệ: nổi tiếng với tủ thờ Gò Công, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình, dừa, bàng, cói

-  Hàng nông sản, thực phẩm: mắm tôm chà Gò Công, Gạo tứ quý, Nếp bè Chợ Gạo, bánh tráng Thuận Phong, bánh hủ tiếu Mỹ Tho, yến sào thiên nhiên, các sản phẩm chế biến từ ca cao, bưởi, trái cây đóng hộp, hàng thủy sản chế biến….

-  Ẩm thực: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu sa tế, bánh giá chợ Giồng; bánh canh bột xắt, chả nướng Chợ Gạo…

 

Nguồn: Sưu Tầm